Phường Phan Chu Trinh,ơnnămloayhoayphânloạirábong da24h quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội là một trong số đơn vị cấp xã phường thí điểm phân loại rác tại nguồn đầu tiên của cả nước. Mục đích là giảm thiểu lượng rác thải, giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Dự án được manh nha năm 2005, bắt đầu thực hiện dưới sự hỗ trợ tài chính, giám sát của Chương trình Đối tác Phát triển của JICA (Nhật Bản) một năm sau đó.
Các hộ dân được hướng dẫn phân loại thành rác vô cơ và rác hữu cơ ngay tại nhà, đựng vào hai thùng rác màu vàng và màu xanh tương ứng với mỗi loại. Khoảng 16h-18h hàng ngày, người dân mang rác hữu cơ đổ vào thùng nhựa lớn màu xanh và bốn ngày một lần đổ rác vô cơ vào thùng lớn màu vàng ở đầu ngõ. Bảy ban chỉ đạo của bảy ngõ lớn được thành lập để giám sát việc thực hiện của người dân.
Bà Vũ Thị Quế, 76 tuổi, hồi đó là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường, kể khoảng 6 tháng đầu, việc phân loại, thu gom được thực hiện quy củ. Đến khi một số công nhân môi trường đổ chung các loại rác vào một xe thì người dân bắt đầu không phân loại. Những tháng sau đó càng ít hộ dân thực hiện và sau hai năm kết thúc thí điểm thì hầu như không còn ai phân loại rác tại nguồn.
Việc phân loại rác bị dừng cho tới năm 2018 phường Phan Chu Trinh khuyến khích người dân tự triển khai. "Ban đầu việc này có hiệu quả khá tốt, nhưng sau đó bộc lộ một số hạn chế do đặc điểm nhà phố chật hẹp, người dân để chai nhựa, lon bia vài ngày mới đi đổ một lần gây mất diện tích, mùi khó chịu", ông Lê Trọng Sỹ, Phó chủ tịch phường Phan Chu Trinh, giải thích.
Hà Nội không phải địa phương duy nhất loay hoay triển khai phân loại rác tại nguồn. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 1999 TP HCM bắt đầu thí điểm, đến giai đoạn 2015-2016 phân loại rác được thực hiện ở 6 quận, từ 2017 mở rộng ra 24 quận, huyện. Tuy nhiên, TP HCM đánh giá chỉ có một số quận, huyện triển khai tốt, còn lại đa số lúng túng.
Đà Nẵng năm 2017 bắt đầu triển khai dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn ở hai phường Thuận Phước và Thạch Thang, quận Hải Châu. Đến tháng 6/2018, trên 80% khu dân cư đã thực hiện đúng quy trình thu gom. Sau đó Đà Nẵng thí điểm ở một số phường, nhưng cũng không đạt được kết quả.
Ngoài thành phố lớn, nhiều tỉnh cũng thí điểm phân loại rác ở quy mô phường, xã, nhưng không thể duy trì như Hưng Yên giai đoạn 2012-2014, Bắc Ninh năm 2014, Lào Cai năm 2016, Bình Dương năm 2017-2018, Đồng Nai năm 2016-2018, Hà Tĩnh năm 2019.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng phân loại rác tại nguồn chưa đạt kết quả do trước đây quy định chưa có tính cưỡng chế, chủ yếu là thí điểm, khuyến khích. Các địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại. Trong nhiều trường hợp, chất thải được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, cùng một phương pháp xử lý nên không còn ý nghĩa khi phân loại.
Các dự án thí điểm phân loại chất thải tại nguồn hầu hết nhằm xây dựng mô hình và được tài trợ, khi kết thúc thì không còn nguồn kinh phí để duy trì, dẫn đến việc dừng hoặc hoạt động cầm chừng.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng kinh nghiệm của các nước thành công cho thấy phân loại rác tại nguồn phải là quy định bắt buộc, có chế tài. Việc đổ rác, thu gom phải theo một giờ nhất định.
Chuyên gia này lấy ví dụ Thượng Hải (Trung Quốc), nơi có nhiều chung cư cũ, mới, nhà cao tầng, thấp tầng giống Việt Nam, đã triển khai phân loại rác tại nguồn thành công. Chính quyền quy định khu chung cư phải xây chỗ đổ rác ở phía dưới để người dân mang rác xuống đổ đúng giờ, nếu không đổ đúng giờ thì phòng để rác không mở. Thậm chí, họ làm app, nếu người dân không rõ có thể vào đó để được hướng dẫn phân loại, đổ rác vào từng thùng theo quy định.
"Các nước tiên tiến cũng vậy, họ xây dựng khu, điểm tập kết rác rất sạch sẽ, lắp camera và có người đứng đó để giám sát. Khi đã phân loại theo màu sắc túi cũng dễ dàng kiểm soát hơn, nhưng vẫn phải có cách kiểm tra đột xuất" ông Tùng nói.
Ngoài ra, ông Tùng cho rằng để việc phân loại rác đạt hiệu quả cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý để các quá trình này đồng bộ, tránh tình trạng người dân đã phân loại nhưng công nhân môi trường lại thu gom chung một xe như từng xảy ra.
Để hướng tới mục tiêu phân loại rác tại nguồn, Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.
Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt 0,5-1 triệu đồng. Quy định cụ thể về phân loại rác sẽ do UBND các tỉnh thành ban hành tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.
Đầu tháng 11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó có ba loại rác được gợi ý gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và nhóm các loại khác. Các địa phương sẽ dựa trên hướng dẫn để đưa ra quy định phân loại cụ thể phù hợp, thời hạn trước năm 2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kỳ vọng các quy định, hướng dẫn trên sẽ là "chìa khóa" để giải quyết vấn đề liên quan đến rác thải sinh hoạt.